image banner
Góp ý xây dựng Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp: Thực tiễn cách mạng đặt ra yêu cầu sửa đổi Hiến pháp
Lượt xem: 29
0:00 / 0:00
Giọng nữ miền Nam

Việc Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 là một quyết sách quan trọng, thể hiện sự chủ động, nhạy bén và quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước ta trong việc thể chế hóa kịp thời các yêu cầu phát triển từ thực tiễn cách mạng.

Sau hơn một thập kỷ thi hành, Hiến pháp năm 2013 đã phát huy vai trò là đạo luật nền tảng, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và tinh gọn bộ máy nhà nước, đã đặt ra những đòi hỏi mới cần được Hiến pháp ghi nhận và điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật. Quyết định sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này chính là bước đi tất yếu để đáp ứng những yêu cầu khách quan đó, góp phần xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh, phục vụ Nhân dân tốt hơn. Lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp này mang ý nghĩa sâu sắc, xuất phát từ yêu cầu khách quan của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, đồng thời đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện sự cầu thị và nỗ lực lớn của Ủy ban dự thảo trong việc tiếp thu các ý kiến đóng góp, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng thực tiễn thi hành. Những nội dung được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào các vấn đề cốt lõi liên quan đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 9, Điều 10 Hiến pháp 2013) nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động. Dự thảo đã làm rõ hơn vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận nòng cốt của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị vững chắc của chính quyền nhân dân, đồng thời nhấn mạnh vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Việc quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của Mặt trận là một bước đi quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại tổ chức, giảm sự chồng chéo, giúp các tổ chức này gần dân, sát dân hơn. Đặc biệt, việc bổ sung nhiệm vụ “đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về Công đoàn” tại Điều 10 là hết sức cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, khẳng định vị thế không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam.

Bên cạnh đó, những sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá về tổ chức đơn vị hành chính và chính quyền địa phương (Điều 110, 111, 112, 114, 115) thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản trị hiện đại. Việc định hình mô hình đơn vị hành chính hai cấp (cấp tỉnh và cấp dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) và không quy định chi tiết tên gọi các loại đơn vị hành chính cấp dưới tạo sự linh hoạt, cơ sở hiến định cho việc cụ thể hóa trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Những điều chỉnh này nhằm khắc phục những bất cập của mô hình ba cấp hiện nay, giảm tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đồng thời vẫn đảm bảo sự gần gũi, gắn bó với Nhân dân.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Nhân dân và đất nước, chúng ta hoàn toàn ủng hộ chủ trương và những nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này. Đây là cơ hội quý báu để hoàn thiện hơn nữa đạo luật nền tảng, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết là minh chứng rõ nét cho thấy quyền làm chủ của Nhân dân được tôn trọng và phát huy, góp phần xây dựng một bản Hiến pháp thực sự kết tinh trí tuệ và ý chí của toàn dân tộc./.

Quốc Việt

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1