Đề xuất thành lập Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc Cục PBGDPL
Báo cáo tóm tắt nội dung Đề án “Thành lập Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thuộc Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật”, đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL cho biết, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách, giải pháp quan trọng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); trong đó đòi hỏi công tác PBGDPL, truyền thông dự thảo chính sách, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo định hướng bảo đảm tối đa quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước; giữ vững chế độ chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội… Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên, yêu cầu đặt ra là cần tăng cường chủ động cung cấp thông tin pháp luật một cách rộng rãi, chính thống, linh hoạt, phát huy và sử dụng tối đa các nền tảng công nghệ thông tin cũng như thu hút nguồn lực để triển khai công tác này. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 142/QĐ-BTP ngày 01/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định của Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 28 tháng 6 năm 2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Quyết định số 996/QĐ-BTP ngày 09 tháng 6 năm 2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, hiện nay Cục PBGDPL đảm nhận thêm chức năng quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Nghị định 55/2019/NĐ-CP). Cục PBGDPL cũng đang thực hiện nhiệm vụ của đơn vị thường trực đầu mối tham mưu Bộ Tư pháp triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 và trực tiếp triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL báo cáo tóm tắt nội dung Đề án.
Vì vậy, theo đồng chí, việc thành lập Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra, bảo đảm tính hiệu quả, thực chất và phát huy mạnh mẽ vai trò chủ trì của Bộ Tư pháp về hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Trung tâm này sẽ thực hiện các hoạt động dịch vụ cung cấp thông tin, truyền thông về chính sách, pháp luật; quản lý, vận hành thống nhất Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia; hỗ trợ triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cụ thể; đầu mối huy động nguồn lực trong xã hội tham gia triển khai các lĩnh vực công tác của đơn vị và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác được Lãnh đạo Cục giao.
Một số đại biểu phát biểu tại buổi làm việc.
Cho ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu nhất trí với việc thành lập Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Cục PBGDPL cần bổ sung thêm cơ sở pháp lý cho việc thành lập Trung tâm, đặc biệt phải bám sát các quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Cục PBGDPL nghiên cứu kỹ càng các nguồn thu tài chính để đảm bảo hoạt động bền vững của Trung tâm; rà soát chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm…
Thứ trưởng Mai Lương Khôi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhất trí việc thành lập Trung tâm là mô hình hiệu quả để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để thành lập được Trung tâm, theo Thứ trưởng, cần quan tâm và củng cố cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của Đề án, đặc biệt là bám sát nội dung Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Ban Chấp hành Trung ương ban hành và Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; cùng với đó phải đánh giá kỹ phạm vi hoạt động, tính khả thi, hiệu quả của Trung tâm.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tính chính thống trong việc cung cấp thông tin PBGDPL, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Cục PBGDPL tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, toàn hiện hơn các nội dung của Đề án; tập trung giải trình cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc thành lập Trung tâm; tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của các bộ, ngành có liên quan; đồng thời nghiên cứu thêm tính khả thi của việc cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long nhất trí chủ trương thành lập Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc Cục PBGDPL. Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị Cục PBGDPL tập trung giải trình rõ hơn các cơ sở để thành lập Trung tâm, trong đó rà soát nội dung Đề án với các quy định tại Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 và Nghị định 120/2020/NĐ-CP. Cùng với đó, Cục cũng cần nghiên cứu kỹ nguồn thu, chi để đảm bảo hoạt động bền vững, lâu dài của Trung tâm; thẩm quyền thực hiện và chức năng của Cục…
Nguồn: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo.aspx?ItemID=6416