image banner
UBND tỉnh Long An ban hành kế hoạch xây dựng Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 13

Thực hiện Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030; Ngày 19/4/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1234/KH-UBND thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên.

Mục đích nhằm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên đến năm 2030 gắn với thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng, chống tội phạm; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025; các Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về công tác bảo đảm an ninh trật tự và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, các ngành; qua đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên; hướng tới xây dựng một cộng đồng sạch ma túy.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trong thanh, thiếu niên; giảm số lượng thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, vi phạm pháp luật về ma túy hằng năm, góp phần xây dựng thế hệ thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh phát triển toàn diện; có lý tưởng cách mạng; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của thanh, thiếu niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm quản lý chặt chẽ số thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy theo quy định. Đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, trên 90% thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, khám sàng lọc, đánh giá, được giáo dục thay đổi hành vi, điều trị, cai nghiện ma túy thích hợp và thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy, thanh, thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về tội phạm ma túy được hỗ trợ dạy nghề, việc làm và các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định pháp luật. Hằng năm, làm giảm số vụ thanh, thiếu niên phạm tội về ma túy so với năm trước; các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy liên quan đến thanh, thiếu niên được đấu tranh, triệt xóa kịp thời và không để tái hình thành; trên 90% số vụ phạm tội về ma túy phát hiện liên quan đến thanh, thiếu niên được giải quyết, xét xử theo quy định…

Theo đó, UBND tỉnh giao:

Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Chương trình gắn với các chiến lược, chương trình, đề án, dự án khác của Chính phủ, bộ, ngành và của tỉnh, nhất là liên quan đến lĩnh vực phòng, chống ma túy và phát triển thanh, thiếu niên. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự để phòng ngừa và kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi mua bán, tổ chức sử dụng, lôi kéo thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy. Định kỳ phối hợp rà soát, thống kê, lập danh sách thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma tuý, nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy để có biện pháp quản lý chặt chẽ ngay tại địa bàn cơ sở, nhất là quản lý về cư trú, kết hợp với tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật. Cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong thanh, thiếu niên trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Sở Giáo dục và Đào tạo: Tăng cường công tác tuyên truyền cho học sinh, sinh viên và phụ huynh về hậu quả, tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, các chất gây nghiện, chất hướng thần, ma túy “núp bóng” các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới, dưới các dạng như tem giấy, bùa lưỡi, cỏ Mỹ...; cách thức nhận biết và kỹ năng phòng tránh...Tổ chức lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình, giáo dục, các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa. Mở rộng các hình thức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy thông qua tổ chức các hoạt động thực tế cho học sinh, sinh viên như tham dự các phiên tòa điểm, phiên tòa giả định, tham quan các cơ sở cai nghiện ma túy, trại tạm giam tại các địa phương. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, giảng viên để nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên.

Sở Y tế: Chỉ đạo, hướng dẫn rà soát, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực và công bố cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy, nhất là trạm y tế cấp xã để kịp thời phát hiện thanh, thiếu niên nghiện ma túy tại địa bàn cơ sở và áp dụng các biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp. Triển khai các giải pháp can thiệp giảm tác hại cho thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy; nghiên cứu các giải pháp điều trị cho thanh, thiếu niên nghiện ma túy tổng hợp…

Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông, thông tin cơ sở phối hợp với ngành Công an và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên. Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, địa phương theo dõi, kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành Thông tin và Truyền thông đối với những thông tin đăng tải, chia sẻ trên môi trường mạng, xuất bản phẩm có nội dung giới thiệu, hướng dẫn sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp, quảng cáo mua bán, lôi kéo thanh, thiếu niên sử dụng trái phép các chất ma túy và tham gia các hoạt động tội phạm và tệ nạn ma túy.

Cục Quản lý thị trường: Phối hợp với các lực lượng chức năng (Công an, Hải quan...) tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, phát hiện, xử lý các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc,... không có hóa đơn chứng từ hợp pháp có nguy cơ “núp bóng” ma túy.

Đài Phát thanh và Truyền hình Long An: Đa dạng hóa các hình thức, nội dung thông tin tuyên truyền; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tiểu mục, thông điệp tuyên truyền về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên; tăng thời lượng, tần suất phát sóng vào khung giờ có nhiều người theo dõi các nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy đối với giới trẻ, gương điển hình, mô hình phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy hiệu quả trong thanh, thiếu niên...

Các Sở, ban ngành, đoàn thể và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên: Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, phát triển thanh niên ở cơ quan, đơn vị; phối hợp triển khai có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách.

UBND các huyện, thị xã, thành phố: Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban, ngành, địa phương thực hiện; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình. Chỉ đạo rà soát loại những mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy hoạt động hình thức, không hiệu quả và phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy. Lồng ghép nội dung công tác phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên với các chương trình, đề án, dự án bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội khác tại địa phương./.

Diễm Trinh- P.PBGDPL

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1